Bối cảnh Thập_tự_chinh_thứ_bảy

Năm 1244, người Khwarezm, lúc này bị buộc phải di cư bởi các cuộc tiến công của người Mông Cổ, đã chiếm Jerusalem sau khi kết đồng minh với người Mamluk Ai Cập. Sự kiện này đã chuyển giao Jerusalem sang cho sự kiểm soát của người Hồi giáo, nhưng việc Jerusalem sụp đổ không còn là một sự kiện rung chuyển thế giới Kitô giáo châu Âu, những người đã quá quen với cảnh thành phố bị chuyển quyền kiểm soát nhiều lần từ tay người Thiên chúa giáo sang người Hồi giáo và ngược lại trong hai thế kỷ qua. Trong thời gian này, mặc dù có nhiều lời kêu gọi từ các Giáo hoàng, đã không còn sự nhiệt tình rộng rãi cho một cuộc thập tự chinh mới.

Giáo hoàng Innôcentê IVFriedrich II, Hoàng đế La Mã Thần thánh tiếp tục cuộc chiến đấu giữa giáo hoàng và hoàng đế. Friedrich đã cho bắt giữ và giam cầm rất nhiều giáo sĩ trong khi họ đến Hội đồng đầu tiên của Lyon, và trong năm 1245 ông đã chính thức bị hạ bệ bởi Innôcentê IV. Trước đó Đức Giáo hoàng Grêgôriô IX cũng đã mời bá tước Robert xứ Artois - em trai vua Louis, nhận ngôi vua của nước Đức, nhưng Louis đã từ chối. Do đó, Hoàng đế La Mã Thần thánh không còn vị thế trong cuộc Thánh chiến. Henry III của Anh vẫn còn tranh giành với Simon de Montfort về các vấn đề ở Anh quốc. Henry và Louis đã không có được sự nhất trí trong cuộc tranh chấp giữa hai dòng họ Capetian-Plantagenet và trong khi nhà vua Louis tiến hành cuộc thập tự chinh ông đã ký một thỏa thuận ngừng bắn để bắt người Anh hứa hẹn không tấn công vào vùng đất Pháp. Louis IX cũng đã mời vua Haakon IV của Na Uy tham gia vào cuộc thập tự chinh này, và gửi sử gia Matthew Paris làm sứ giả, nhưng một lần nữa ông này đã không thành công. Chỉ có một người duy nhất quan tâm đến việc lãnh đạo một cuộc thập tự chinh do đó là Louis IX, người đã tuyên bố ý định của mình về một cuộc viễn chinh ở phương Đông trong năm 1245.